Tuyển nữ Nhật Bản vô địch World Cup thế nào?

CLICK VÔ BANNER QC ĐỂ NHẬN KHUYẾN MÃI

Cho đến trước vòng chung kết World Cup 2011, tuyển nữ Nhật Bản thắng 3 trong 16 trận đấu trước đó tại sân chơi này. Ngay cả những người mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ Homare Sawa cùng các đồng đội làm nên chuyện ở World Cup trên đất Đức.

Ba tháng trước kỳ cúp thế giới khởi tranh ở Đức, đất nước Nhật Bản rúng động trước thảm họa động đất và sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người, khiến 200.000 người mất nhà cửa. Đến bây giờ, vẫn còn hơn 2.500 người mất tích. Thời gian để dọn dẹp lại đống đổ nát được dự tính lên tới 40 năm. Năm 2021, tức 10 năm sau thảm họa, mới có vài hộ gia đình trở lại khu vực này để sinh sống.

Chức vô địch World Cup của tuyển nữ Nhật Bản cách đây 11 năm vì thế mang ý nghĩa hàn gắn đau thương của đất nước mặt trời mọc. FIFA ngày ấy mô tả chiến công của các cô gái Nhật Bản đã “đặt nụ cười lên gương mặt buồn của quốc gia”.

- Bóng Đá

Tuyển nữ Nhật Bản là đại diện châu Á duy nhất trong lịch sử từng vô địch thế giới.

Chiến tích lịch sử

Trước mỗi trận đấu tại World Cup 2011, HLV trưởng Norio Sasaki đều đưa cho các cầu thủ xem các bức ảnh tại quê nhà Nhật Bản, nơi những người dân đang oằn mình chống lại các hệ quả khủng khiếp từ thiên tai.

“Hình ảnh ấy tạo động lực lớn để chúng tôi chiến thắng”, cựu hậu vệ Aya Sameshima thừa nhận. “Song, tôi không dám nhìn thẳng vào chúng”.

Trước khi bóng lăn tại đất Đức, tuyển nữ Nhật Bản gửi thông điệp tới toàn thế giới bằng tấm biểu ngữ: “Gửi tới bạn bè khắp thế giới, cảm ơn vì sự ủng hộ của tất cả”.

- Bóng Đá

Thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 để lại dư chấn nặng tới Nhật Bản.

Trên đường tới chức vô địch World Cup lịch sử năm ấy, tuyển nữ Nhật Bản không cần bất kỳ sự trợ giúp hay ủng hộ nào. Sau khi vượt qua vòng bảng với ngôi nhì, tuyển nữ Nhật Bản chạm mặt với thử thách mang tên tuyển nữ Đức, nhà ĐKVĐ World Cup, ở trận tứ kết.

Đối đầu với huyền thoại Birgit Prinz, Nhật Bản không nao núng khi chiến đấu kiên cường và kéo đối thủ vào hiệp phụ trước khi Karina Maruyama ghi bàn duy nhất vào phút 108.

Cơn địa chấn tiếp tục được các cầu thủ Nhật Bản tạo nên ở trận bán kết. Đội á quân World Cup 2003, Thụy Điển, trở thành bại tướng của Nhật Bản với tỷ số 1-3. Thử thách cuối cùng đến với các cô gái châu Á là tuyển Mỹ, chủ nhân của huy chương vàng Olympic 2008.

Đây cũng là ứng viên số một cho chức vô địch với dàn sao kéo dài cả ba tuyến, từ thủ môn Hope Solo, tiền vệ Carli Lloyd đến cây săn bàn Abby Wambach.

Trận chung kết diễn ra căng thẳng và bùng nổ vào nửa cuối hiệp 2. Sau hàng loạt pha uy hiếp khung thành không thành công, Alex Morgan mở tỷ số cho Mỹ bằng cú đá chân trái chéo góc ở cự ly 16 m. Phút 81, Nhật Bản đưa trận đấu về vạch xuất phát bằng pha tận dụng thời cơ nhanh như chớp của Aya Miyama.

Càng chơi càng khỏe, tuyển nữ Nhật Bản khiến Mỹ sốc khi kéo trận đấu vào hiệp phụ. Một lần nữa, kịch bản của 2 hiệp chính lặp lại. Wambach đưa Mỹ dẫn trước vào phút 104, trước khi thủ quân Sawa khiến nước Nhật vỡ òa với bàn gỡ hòa vào phút 117 bằng cú đánh gót trên không.

Trên chấm luân lưu, Mỹ sút hỏng 3 lượt đầu trong khi Nhật Bản chỉ không thành công trong đúng một lượt. Thắng luân lưu 3-1, tuyển nữ Nhật Bản vô địch World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Trên bình diện bóng đá nói chung không kể giới tính, không đại diện châu Á nào làm được điều tương tự như Sawa và đồng đội.

Động lực từ quê nhà

Sau khi chứng kiến Nhật Bản đứng vững trước sức ép, không bỏ cuộc và thắng ngược Mỹ trong trận chung kết, Hope Solo phải thừa nhận sau trận chung kết: “Tôi thực sự tin có điều gì đó kéo Nhật Bản tới chức vô địch”.

“Chúng tôi chạy, chạy mãi. Dù kiệt sức, chúng tôi vẫn làm đi làm lại điều đó”, Sawa hồi tưởng về chiến dịch chinh phục World Cup trên đất Đức. Tuyển nữ Nhật Bản đã làm nên một trong những điều kỳ diệu nhất lịch sử thể thao thế giới nói chung bằng tinh thần không bỏ cuộc.

- Bóng Đá

Chiến thắng của tuyển nữ Nhật Bản tạo động lực để người dân Nhật Bản đứng dậy từ thảm họa.

HLV trưởng Norio Sasaki không giấu được sự tự hào khi chia sẻ với báo chí sau trận chung kết: “Các cô gái của chúng tôi thi đấu bằng cả trái tim. Chúng tôi cảm nhận được năng lượng từ toàn bộ người dân Nhật Bản. Tôi bị sốc”.

Mẹ của thủ quân Sawa, cầu thủ hay nhất World Cup 2011, nhấn mạnh: “Nước Nhật đang mỉm cười”.

“Tôi nghĩ không ai trên thế giới tin Nhật Bản sẽ vô địch World Cup”, Asako Takakura, cựu HLV Nhật Bản trong thập niên 90, thừa nhận với CNN. “Nhiều người dân Nhật Bản nhìn thấy tuyển nữ vô địch World Cup và nói điều ấy đã tiếp sức cho họ. Tôi cảm giác như cả nước Nhật Bản giành chiến thắng”.

Sau chức vô địch World Cup 2011, Nhật Bản vươn mình thành một trong những quốc gia mạnh nhất bóng đá nữ thế giới. Homare Sawa và đồng đội giành huy chương bạc Olympic London 2012 và về nhì tại World Cup 2015.

Năm 2011, năng lượng tỏa ra từ tâm chấn vụ động đất ở Nhật Bản được ước tính mạnh gấp 600 triệu lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Song cũng giống như thảm họa hơn 6 thập niên trước đó, nước Nhật đã đứng dậy mạnh mẽ, với tia sáng ngay sau thảm họa là chức vô địch World Cup không tưởng của tuyển nữ.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*