Gary Neville nói mình theo dõi Manchester United được 42 năm và đây là mùa giải tệ nhất ông từng chứng kiến. “Thứ tâm lý đổ lỗi đang chảy khắp CLB này”, Neville nói sau trận MU thua Liverpool 0-4 rạng sáng 20/4 (giờ Hà Nội). “Họ (các cầu thủ – PV) sẽ núp sau HLV mới, chỉ trích người cũ. Tất cả như một trò đùa”.
Cựu HLV Valencia có lý. Thảm bại trên sân Anfield vừa qua tiếp tục khoét sâu vào những vấn đề hiện tại của “Quỷ đỏ”. Đội bóng này không có lối chơi rõ ràng, cầu thủ thiếu trình độ và động lực thi đấu. “Tâm lý đổ lỗi” mà Neville nói cũng xuất phát từ sự bất ổn trên băng ghế chỉ đạo của đội bóng trong gần 10 năm qua.
Niềm hy vọng mới
Kể từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, MU đã thi đấu dưới sự dẫn dắt của 7 HLV (tính cả các chiến lược gia tạm quyền). Nếu Ten Hag cập bến Old Trafford, con số đó sẽ là 8. Với một đội bóng như Manchester United, 8 HLV trong gần một thập niên cho thấy sự thiếu ổn định và tâm lý đổ lỗi.
Hiển nhiên trong bóng đá, HLV thường là người nhận trách nhiệm khi đội bóng chơi kém. Sau khi chia tay Ralf Rangnick, cầu thủ và người hâm mộ MU sẽ lại đặt hy vọng vào một người mới. Trên thị trường chuyển nhượng HLV hiện tại, Ten Hag là cái tên hấp dẫn bậc nhất.
Kể từ khi đưa Ajax đến bán kết Champions League 2018/19, Ten Hag được liên hệ với nhiều CLB hàng đầu châu Âu. Đó là điều khác biệt của chiến lược gia 52 tuổi so với David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho hay Solskjaer.
Ngay cả Van Gaal hay Mourinho cũng không được săn đón như Ten Hag ở thời điểm hai HLV này sắp dẫn dắt MU. Điều khiến Ten Hag nhận được sự quan tâm từ Real Madrid, Bayern hay Barcelona trong vài năm qua đến từ triết lý bóng đá cuốn hút của HLV này.
Erik Elias, tuyển trạch viên người Hà Lan, nhận xét: “Ajax của Ten Hag chơi tấn công mạo hiểm hơn rất nhiều so với các đội bóng hàng đầu. Khi bóng đến khu vực một phần ba cuối sân đối thủ, chỉ hai trung vệ và một tiền vệ phòng ngự còn đứng sau quả bóng, phần còn lại của đội đã lao lên phía trước”.
Ở giải VĐQG Hà Lan mùa 2020/21, Ajax thực hiện trung bình 31 đường chuyền vào vùng 16,5 m đối thủ mỗi trận, nhiều hơn cả Liverpool lẫn Man City mỗi đội 10 đường chuyền. Ajax cũng sút trung bình 21 lần/trận, nhiều hơn Liverpool lẫn Man City.
Trình độ của Ajax chênh lệch nhiều so với mặt bằng chung của bóng đá Hà Lan. Vì vậy, các con số kể trên không nên được đề cao quá mức. Tuy nhiên, chúng vẫn phản ánh phần nào triết lý bóng đá của Ten Hag. Đó là pressing, tấn công đối thủ liên tục, sẵn sàng dâng cao đội hình và chấp nhận rủi ro bị thủng lưới.
Triết lý đó của Ten Hag liệu có hiệu quả tại Old Trafford? Sẽ có nhiều bài toán chờ vị HLV người Hà Lan giải quyết. Ông cần nhiều thời gian, công sức cũng như sự hỗ trợ tài chính từ giới chủ.
Ten Hag cần làm gì?
Số lần pressing thành công trong khu vực 1/3 sân đối thủ của MU tại Premier League mùa này chỉ ở mức 4,6, thấp hơn so với mặt bằng chung của giải đấu (4,7). Tần suất pressing của MU ở 1/3 sân đối thủ tại Premier League mùa này cũng chỉ ở mức 12,8, thấp hơn so với mặt bằng chung 13,7.
Cần nhớ rằng Rangnick, một HLV đề cao khả năng pressing, đã có 5 tháng dẫn dắt MU. Nếu không có chiến lược gia người Đức, các thống kê về khả năng pressing đối thủ của “Quỷ đỏ” còn tệ hơn.
Để có thể đáp ứng yêu cầu của Ten Hag, cả đội bóng (ngoại trừ thủ môn) cần di chuyển liên tục và tạo sức ép đủ lớn lên đối thủ. Như phân tích từ Elias, bộ đôi trung vệ và tiền vệ phòng ngự MU phải giỏi pressing và nhanh nhẹn để chống phản công. Họ cũng cần đôi chân “ngoan” để xử lý và luân chuyển bóng.
Harry Maguire hay Scott McTominay trông có vẻ không hợp với yêu cầu từ Ten Hag. Trên hàng công, các chân sút MU phải pressing đối thủ liên tục và chơi bóng tốc độ. Ở tuổi 37, Cristiano Ronaldo khó có thể chơi như cách Ten Hag mong muốn.
Ajax của Ten Hag có sự tương đồng về cách chơi với Liverpool hay Man City. Phần lớn các đội không chơi như Liverpool hay Man City vì họ không có những con người đủ giỏi. Một phần lý do khiến Ten Hag có thể giúp Ajax chơi theo phong cách cuốn hút nằm ở sự chênh lệch trình độ giữa đội chủ sân Johan Cruyff với phần còn lại của giải VĐQG Hà Lan.
Ajax trả lương cho cầu thủ cao hơn 40-50% so với PSV, đối thủ lớn nhất của họ trong nước. Nếu MU muốn chơi thứ bóng đá như Liverpool hay Man City, họ cần số lượng lớn các cầu thủ đẳng cấp ở mọi tuyến. Ten Hag được cho là đã yêu cầu quyền lực lớn trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Đó là một đòi hỏi hợp lý.
Sang MU sẽ là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của Ten Hag. Premier League cũng là môi trường bóng đá có độ khó cao hơn nhiều so với giải VĐQG Hà Lan. Trung bình một đội bóng ở Premier League có khoảng 94 lần để mất quyền kiểm soát bóng trong trận. Leeds United đứng đầu bảng với 103 lần/trận trong khi Man City đứng cuối với 82.
Khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công ngày càng quan trọng trong bóng đá hiện đại. Với môi trường Ngoại hạng Anh, yếu tố đó mang tính sống còn.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp HLV, Ten Hag luôn chú trọng vào khả năng chuyển trạng thái của đội bóng. Ngay sau khi giành lại được bóng, HLV này luôn yêu cầu các cầu thủ luân chuyển quả bóng nhanh nhất có thể. Trong đội hình MU hiện tại, không nhiều cái tên đáp ứng được yêu cầu từ Ten Hag.
Roy Keane nói MU đang là mớ hỗn độn và phải xin lỗi Ten Hag vì chấp nhận đến Old Trafford lúc này. Tuy nhiên sau một mùa giải bết bát, người ta có thể dành cho Ten Hag sự kiên nhẫn lớn hơn các đời HLV trước.
Be the first to comment