Duyên nợ nối dài giữa tuyển Đức và Tây Ban Nha

CLICK VÔ BANNER QC ĐỂ NHẬN KHUYẾN MÃI

Không giống những cặp đấu duyên nợ mang thù địch từ địa chính trị lẫn lịch sử vào sân bóng như Đức-Anh, Đức-Hà Lan, Argentina-Anh hay Argentina-Brazil, xung đột lớn nhất giữa hai nền bóng đá Đức và Tây Ban Nha gói gọn trong sân cỏ.

Tây Ban Nha và Đức từng chạm mặt nhau tới 7 lần ở các VCK World Cup cũng như Euro, nhưng phải tới giai đọan cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, sự căng thẳng giữa hai nền bóng đá này mới lên tới đỉnh điểm.

Trước năm 2008, Tây Ban Nha không có cửa so với Đức ở bất kỳ sân chơi nào. Song mọi thứ thay đổi với cột mốc Euro 2008 và lên đỉnh điểm vào mùa hè Nam Phi hai năm sau đó.

Từ đó tới giờ, Tây Ban Nha cào bằng hoàn toàn cách biệt với Đức hùng mạnh. Và tại World Cup 2022, cả hai sẽ nằm cùng bảng đấu.

Duyên nợ nối dài giữa tuyển Đức và Tây Ban Nha - Bóng Đá

Tây Ban Nha thắng Đức tại chung kết Euro 2008 và vươn mình thành ông lớn của bóng đá thế giới. Ảnh: Reuters. 

Những thất bại đau đớn

Nếu không phải vì Tây Ban Nha, tuyển Đức có lẽ đã không phải chờ tới tại World Cup 2014 để có được danh hiệu lớn đầu tiên sau khi lên ngôi tại Euro 1996.

Hai trận thua chí mạng của Đức trước Tây Ban Nha tại Euro 2008 và World Cup 2010 đều tới khi người Die Mannschaft sở hữu dàn sao thiện chiến và được lòng những người hâm mộ trung lập bởi cá tính và sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận trận đấu.

Nhiều CĐV đã kỳ vọng vào cái kết đẹp cho biểu tượng lớn của bóng đá Đức trong thập niên 2000, Michael Ballack, trước thềm trận chung kết Euro 2008. Nhưng tất cả bị Tây Ban Nha phá hỏng.

Cú rướn người của Fernando Torres qua Philipp Lahm cùng pha chích mũi giày của tiền đạo người Tây Ban Nha qua Jens Lehmann đã ám ảnh người hâm mộ bóng đá Đức suốt thời gian dài. Torres nói sau khi vô địch: “Công lý đã được thực thi bởi vì đội bóng chơi thứ bóng đá hay hơn – đội bóng hay nhất trong suốt giải – đã đăng quang” trước khi nhấn mạnh Lahm đã “quá chủ quan” trong tình huống dẫn tới bàn duy nhất của trận đấu.

Duyên nợ nối dài giữa tuyển Đức và Tây Ban Nha - Bóng Đá

HLV Vicente Del Bosque tiết lộ từng dặn dò kỹ lưỡng các học trò về thói quen phòng ngự thụ động của Đức trong các tình huống phòng ngự cố định tại World Cup 2010 và Puyol trừng phạt thành công đội bóng hay nhất kỳ cúp thế giới trên đất Nam Phi cho tới trước bán kết. Ảnh: AFP.

Cây bút Graham Hunter khẳng định Lehmann vì tin tưởng Lahm nên đã không lao ra khép góc đúng nhịp và thất bại. Người Đức luôn nổi tiếng với sự kỷ luật tuyệt đối trong đấu pháp, nhưng đã thất bại trước Tây Ban Nha tại chung kết Euro 2008 bởi một tình huống lơ đễnh của hậu vệ.

Hai năm sau, tuyển Đức thay da đổi thịt với hàng loạt nhân tố mới như Thomas Mueller, Mesut Oezil, Sami Khedira, Manuel Neuer… Nhưng kịch bản vẫn như cũ. Tây Ban Nha thắng với cách biệt tối thiểu. Tuyển Đức thủng lưới vì một pha đánh đầu, dù đội hình sở hữu chiều cao vượt trội Tây Ban Nha. Người ghi bàn cho Tây Ban Nha, Carles Puyol, cao chưa đầy 1,80 m.

Nếu như 2 năm trước, Torres có thể tự hào vỗ ngực Tây Ban Nha “chơi thứ bóng đá hay hơn“, thì rất khó để khẳng định được luận điểm này tại World Cup 2010. Cho đến trước trận bán kết, Đức đã ghi tới 8 bàn chỉ sau hai lượt trận knock-out với Anh và Argentina, bằng số bàn Tây Ban Nha ghi được trong cả giải đấu.

“Bò tót” là đội vô địch World Cup ghi ít bàn nhất trong lịch sử, trong khi Đức có giải đấu tấn công hay bậc nhất trong các lần tham dự cúp thế giới. Chỉ kết quả là không thay đổi.

Báo chí Đức bị chia rẽ bởi trận thua Tây Ban Nha này. Tờ Die Zeit mô tả “Câu chuyện cổ tích đã chấm dứt”. Tờ Der Spiegel khẳng định: “Tây Ban Nha đã làm tan biến giấc mơ lọt vào trận chung kết”, nhưng Sueddeutsche Zeitung thì chỉ trích: “Chúng ta quá tôn trọng Tây Ban Nha, và không có sức ép ngược lại đối phương“.

Tuy nhiên, bất kỳ người Đức nào cũng đồng tình việc Thomas Mueller bị treo giò đã hạn chế sức mạnh của Die Mannschaft. Thay thế vị trí tiền đạo cánh phải của Mueller, HLV Joachim Loew đã phải sử dụng Piotr Trochowski, và tiền vệ này lọt thỏm trước khả năng phòng ngự của Tây Ban Nha. Đức từ đó thất bại.

Ở hai trận đấu vượt ngưỡng tại Euro 2008 và World Cup 2010, Đức đều thất bại trước Tây Ban Nha. Ngược lại, sau những chiến thắng trước người Đức, Tây Ban Nha đều không cần chờ lâu để chạm tới vinh quang và xác lập triều đại thống trị chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá thế giới.

Tây Ban Nha đã xô ngã nhiều người khổng lồ để tiến tới vị thế một trong những nền bóng đá hùng mạnh nhất. Và tên tuổi lớn hơn cả, chính là Đức.

Thất bại gần nhất của Đức trước Tây Ban Nha đáng quên không kém. Tại UEFA Nations League, giải đấu về cơ bản vô nghĩa với nhiều đội tuyển lớn tại châu Âu, Đức bị Tây Ban Nha đè bẹp tới 6-0 trong thế trận không tung nổi cú đá nào trúng đích. Tờ Kicker gọi đây là “nỗi ô nhục” của bóng đá Đức.

Những biểu tượng của bóng đá hiện đại

Dù Đức không thể nào vượt qua Tây Ban Nha ở những giải đấu chính thức kể từ Euro 1988, song xét về bối cảnh chung về nền bóng đá, cả hai đều có quyền tự hào.

Sau khi Italy không thể giành vé tới World Cup 2022 và lần thứ hai liên tiếp theo dõi cúp thế giới qua màn hình, HLV Fabio Capello nhấn mạnh bóng đá Italy đã “học hỏi Pep Guardiola suốt 15 năm qua” nhưng không thành công.

Don Fabio sau đó nhấn mạnh người Italy nên “học người Đức” với biểu tượng là Juergen Klopp, và nhấn mạnh tố chất kỹ thuật của cầu thủ Tây Ban Nha là điều “không thể học“.

Duyên nợ nối dài giữa tuyển Đức và Tây Ban Nha - Bóng Đá

Tuyển Đức đang lấy lại vị thế với Hansi Flick. Ảnh: Reuters. 

Capello, chiến lược gia biểu tượng cho bóng đá của quá khứ, đã không lấy Pháp, Anh hay Bồ Đào Nha, những quốc gia làm mưa làm gió các giải đấu như World Cup hay Euro suốt 8 năm qua để làm hình mẫu phát triển, mà chọn Tây Ban Nha và Đức.

Capello có lý. Xét về khả năng phát triển nền tảng thông qua triết lý xuyên suốt từ các lứa U lên đội tuyển quốc gia, không nền bóng đá nào trên thế giới so bì được với Đức và Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha dù không đạt thành tựu nào sau Euro 2012 nhưng vẫn sản sinh ra lứa cầu thủ chỉ cần ráp vào hệ thống là sẽ vận hành trơn tru với xương sống là tố chất kỹ thuật cá nhân cùng khả năng phối hợp bóng ngắn. Pedri, Dani Olmo, Gavi, Ferran Torres là những biểu tượng của nhóm này, kết quả của việc đào tạo bóng đá trẻ bài bản cùng niềm tin được trao gửi đều đặn từ cấp độ CLB.

Đức rèn giũa thứ bóng đá hiện đại với khả năng pressing khắp mặt sân cùng lối chơi tập thể gắn kết. Nền tảng của Đức cũng là hệ thống đào tạo trẻ với những ngôi sao lớn luôn sẵn sàng thay thế đàn anh. Khi Mueller bắt đầu già, Kai Havertz đang nổi lên như chủ công tiếp theo của Die Mannschaft trong tương lai khi càng đá càng hay trong màu áo Chelsea.

Thất bại tại World Cup 2018 là bước hụt của triều đại Joachim Loew, nhưng Đức đã nhanh chóng trở lại với Hansi Flick. Cựu HLV Bayern dẫn dắt tuyển Đức 9 trận, thì thắng tới và chỉ hòa 1 trận (trước Hà Lan). Die Mannschaft hoàn toàn rũ bỏ hình ảnh nhợt nhạt và mệt mỏi ở cuối triều đại Loew khi Flick lên nắm quyền.

Nếu có hai đối thủ không được phép đánh giá thấp tại World Cup 2022 sắp tới này, thì đó là Đức và Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đã dừng bước ở World Cup 2014 ngay từ vòng bảng, còn Đức chịu bi kịch này 4 năm sau đó.

Rất khó để tin điều này sẽ tái diện dù cả hai cùng Nhật Bản và Costa Rica (hoặc New Zealand) sẽ tạo ra bảng tử thần tại kỳ cúp thế giới đầu tiên diễn ra vào mùa Đông. Nếu không có gì bất ngờ về lực lượng, Đức và Tây Ban Nha sẽ dễ dàng ẵm hai tấm vé đi tiếp, trước khi chờ định mệnh sắp xếp cả hai gặp lại nhau ở giai đoạn knock-out.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*