Ngay ở phút thứ 7 trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc), Kiều có tình huống bật cao đánh đầu để mở tỷ số tuyển nữ Việt Nam. Trung vệ này có khoảnh khắc bùng nổ. Nhưng hơn hết, cô trải qua 90 phút và cả giải đấu ấn tượng để góp phần giúp tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023.
Thủ lĩnh hàng thủ tuyển nữ Việt Nam
Trong sơ đồ 3-5-2 của HLV Mai Đức Chung, Kiều được xếp đá trung vệ thòng. Cô thi đấu đầy mạnh mẽ, quả cảm để giúp tuyển nữ Việt Nam ngăn chặn những pha tấn công của tuyển Đài Loan.
Suốt 90 phút có mặt trên sân, Kiều có 5 tình huống tranh chấp tay đôi thành công, 1 lần tắc bóng, 1 lần đánh chặn và đặc biệt là 4 lần giải vây. Cô xuất hiện ở những điểm nóng, trong đó có pha bóng ở phút 20.
Trong tình huống này, Kiều thể hiện sự tỉnh táo. Cô có tác động vừa đủ để khiến Su Yu-hsuan, tiền đạo chủ lực của Đài Loan không thể kiểm soát tình hình. Chân sút này thực hiện được pha căng ngang để đồng đội làm rung lưới tuyển nữ Việt Nam nhưng bàn thắng không được công nhận vì bóng đi hết đường biên ngang.
Đến phút 58, Kiều tiếp tục tỏa sáng với sự quả cảm. Khi đó, tuyển nữ Đài Loan thực hiện pha đánh đầu cận thành và thủ môn Kim Thanh cản phá được. Tuy nhiên, tuyển nữ Việt Nam chưa thoát khỏi nguy hiểm vì bóng nảy ra và cầu thủ đối phương có thể băng vào đá bồi.
Ngay lập tức, dù mất đà, Kiều vẫn tung cả người, nỗ lực dùng cả đầu lẫn chân để cản phá. Nếu trung vệ tuyển nữ Việt Nam không quyết tâm, tuyển nữ Đài Loan có thể gỡ hòa 2-2.
Ở trận đấu này, tuyển nữ Đài Loan không tạo được quá nhiều cơ hội. Bên cạnh bàn gỡ hòa 1-1, hai pha bóng mà Kiều cản phá được cũng là những tình huống đáng kể nhất của đối phương. Trung vệ sinh năm 1995 chơi xuất sắc khi vừa ghi bàn, cứu thua cho tuyển nữ Việt Nam.
Trên đất Ấn Độ, Kiều thể hiện tinh thần thi đấu tuyệt vời. Tuyển nữ Việt Nam tưởng chừng phải bỏ giải đấu khi hàng loạt cầu thủ mắc Covid-19 sau chuyến tập huấn ở Tây Ban Nha. Nhưng Kiều và các đồng đội vẫn nỗ lực từng trận một để tiến đến vòng play-off và giành vé dự World Cup.
Cá nhân Kiều chơi trọn vẹn 450 phút dưới thời tiết nắng nóng của Ấn Độ. Cô chỉ được nghỉ trong cuộc đối đầu Trung Quốc, trận đấu mà HLV Mai Đức Chung cho nhiều trụ cột dưỡng sức.
Sự quả cảm
Có lẽ, tinh thần máu lửa, luôn vươn lên của Chương Thị Kiều đến từ quá khứ khó khăn. Cô sinh ra trong một gia đình gốc Khmer nghèo ở tỉnh Kiên Giang. Kiều mê bóng đá từ sớm nhờ thừa hưởng tình yêu từ người cha của mình, ông Chương Úc, vốn là một cựu cầu thủ của Kiên Giang.
Ở tuổi 15, cô sớm nếm trải những khắc nghiệt của đời sống bóng đá chuyên nghiệp khi ăn tập tại đội nữ TP.HCM. Thậm chí, có thời gian Kiều phải kiếm thêm thu nhập bằng nghề làm móng tay, làm tóc.
Kiều sớm bộc lộ tài năng và được gọi lên tuyển Việt Nam vào năm 16 tuổi. Năm 2012, cô là thành viên trẻ nhất trong đội hình vô địch Đông Nam Á. Tuy nhiên, Kiều cũng gặp thử thách lớn ngay trong buổi đầu sự nghiệp.
Đang trên đà thăng tiến, cô bất ngờ dính chấn thương rất nặng khi tham dự vòng loại giải U19 châu Á cuối năm 2012. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, cô bị đứt dây chằng chéo trước, vỡ sụn, buộc phải phẫu thuật và nghỉ thi đấu dài hạn. Sau này, khi đã bình phục, trung vệ của tuyển Việt Nam vẫn chịu những cơn đau nơi đầu gối trái.
Chính chấn thương này tái phát sau trận hòa Thái Lan ở vòng bảng môn bóng đá nữ SEA Games 30. Sau đó, Kiều vẫn cố gắng thi đấu các trận còn lại và đưa tuyển nữ Việt Nam tới tấm huy chương vàng. Chính vì vậy, chấn thương của cô không có thời gian phục hồi.
Điều đó có nghĩa là trong trận chung kết, Kiều thi đấu với đầu gối không khỏe và một vết thương hở lớn. Phần đùi non của cô bị trầy và chảy máu sau tình huống cản phá cầu thủ Chinwong bên phía Thái Lan. Cả hai va chạm mạnh và khi tiếp đất, đùi của cô mài xuống mặt cỏ nhân tạo rồi bị chảy máu.
Dù vậy, Kiều vẫn tiếp tục thi đấu quả cảm ngay cả khi khó khăn trong khâu di chuyển vì phần đùi bị bó chặt. Cô chơi tốt, giúp tuyển nữ Việt Nam giữ sạch mành lưới và giành tấm huy chương vàng.
Sau giải đấu, Kiều tâm sự rằng cô mất ngủ vì vết thương này. Cô cũng phải chia tay vòng play-off Olympic 2020 khi đầu gối không có đủ thời gian để phục hồi. Đến thời điểm này, trung vệ sinh năm 1995 luôn băng chặt đầu gối mỗi khi ra sân.
Và ít ai biết được rằng trong ngày Kiều trở thành người hùng giúp tuyển nữ Việt Nam dự World Cup, cô lại nhận tin mất người thân. Ông ngoại của Kiều qua đời và ban huấn luyện, đồng đội phải động viên cô vượt qua nỗi đau này.
Chương Thị Kiều sẽ trải qua một mớ cảm xúc hỗn độn, từ hạnh phúc đến đau buồn. Nhưng chắc chắn rằng, cảm xúc của người hâm mộ Việt Nam dành cho cô chỉ có một, đó là sự ngưỡng mộ.
Be the first to comment