Richarlison bắt đầu có pha bóng biểu diễn kỹ thuật ở phút 57. Jadon Sancho quá rụt rè và Man Utd phải chịu một quả phạt góc. Harry Maguire ở gần đó thúc giục bản hợp đồng 85 triệu euro cần phải tranh bóng mạnh mẽ hơn.
Gần như không một cầu thủ nào trong đội hình Man Utd có được tinh thần chiến đấu cho một vị trí trong top 4. Trong hoàn cảnh bị dẫn trước, “Quỷ đỏ” vẫn khá rệu rã và không có một thủ lĩnh kéo đội bóng đi lên.
Man Utd có thể than thở về bàn thắng may mắn của Anthony Gordon, nhưng họ nên biết tự trách chính mình với những tình huống lười di chuyển và thờ ơ trong tranh chấp.
Man Utd như muốn kết thúc sớm mùa giải
Không có bất kỳ sự cố gắng hay nỗ lực nào từ Man Utd sau khi họ bị thủng lưới ở phút 27. Kể từ thời điểm đó, lối đá của đội khách trở nên rời rạc và thiếu kết dính. Ngay cả Cristiano Ronaldo cũng bất lực.
Thời điểm Paul Pogba bị trọng tài từ chối một pha phạm lỗi ở phút 86, anh lập tức ném bóng đi. Hành động ấy đủ nói lên nhiều điều về đội bóng này. Trong tình thế cần bàn gỡ, cựu sao Juventus vẫn nhởn nhơ.
Đội thật sự muốn chơi bóng đã giành chiến thắng. Đó là hình ảnh Michael Keane vật lộn với Ronaldo, Richarlison tự tin nhảy múa với trái bóng, còn Alex Iwobi chạy như một cỗ máy càn quét khắp mặt sân.
Thầy trò Rangnick chỉ thắng 3 trong số 12 trận gần nhất và không thể đánh bại 2 trong số 4 đội cuối bảng ở 4 vòng đấu đã qua. Everton chỉ có 5 trận giữ sạch lưới ở Premier League cả mùa trước khi “Quỷ đỏ” hành quân tới Goodison Park. Và Everton hiện được coi là đội bóng tệ nhất trong 20 năm qua.
Đối đầu với một đội đã thua 6 trong 7 trận trước đó, Man Utd để lại một màn trình diễn tồi tệ khác, và cảm giác họ không có bất kỳ nỗ lực nào để có thể kết thúc mùa giải với một niềm tin vào việc giành vị trí thứ 4.
Pogba vào sân thay Fred chấn thương và chơi dưới mức trung bình. Phong độ của Jadon Sancho tiếp tục giảm sút. Marcus Rashford trông thiếu tự tin trước khung thành và Ronaldo không làm được gì khi đồng đội chẳng thể cung cấp đường chuyền.
Chứng khiến cầu thủ trên sân chơi nhạt nhòa và không có tinh thần chiến đấu, cổ động viên Man Utd đồng loạt hô vang cụm từ “going down” (tạm dịch: ngày càng đi xuống) khi đồng hồ chỉ mới điểm tới phút 77. Họ quay lưng và không chấp nhận thái độ của các cầu thủ như vậy.
Hiện tại có cảm giác Man Utd đang tái diễn lại mùa giải 2013/14 dưới thời David Moyes. Với đà này, “Quỷ đỏ” có khi còn phải tham dự Europa Conference League, thay vì Europa League chứ đừng nói tới suất dự Champions League.
Nhiệm vụ khó khăn
Bất chấp kỳ chuyển nhượng hè 2021 đầy hứa hẹn với sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo, Jadon Sancho và Raphael Varane, Man Utd từ hy vọng cạnh tranh chức vô địch đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.
Man Utd buộc phải thay đổi và ứng cử viên cho chiếc ghế nóng là Erik ten Hag phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Rangnick từng khẳng định rằng đội nhà cần 2 hoặc 3 kỳ chuyển nhượng để đội bóng đi đúng hướng.
Tuy nhiên, thay vì nghĩ tới chuyện giúp Man Utd lột xác, HLV tiếp theo cần hiểu rõ ưu tiên ở Old Trafford là gì. Đó là việc dọn dẹp mớ hỗn độn, vốn là sản phẩm của một ban lãnh đạo kém, thiếu tầm nhìn dẫn tới việc CLB trải qua 5 đời HLV khác nhau mà vẫn chưa định hình được lối chơi.
Ten Hag chưa được công bố là HLV trưởng, nhưng đã xuất hiện một số thông tin cho rằng nội bộ Man Utd chia rẽ khi đánh giá vị HLV người Hà Lan có phải là cái tên phù hợp để đảm nhiệm công việc ở Old Trafford hay không. Rõ ràng thách thức lớn nhất của nhà cầm quân này là làm sao quản lý “những cái tôi” trong phòng thay đồ.
Việc những cầu thủ này thiếu trách nhiệm trong và ngoài sân cỏ đã khiến giá trị của Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer và giờ là Rangnick xuống thấp. Roy Keane, cựu đội trưởng Man Utd, chia sẻ vào năm 2019: “Đây là những cầu thủ đã ném Mourinho vào gầm xe bus, và họ sẽ làm điều tương tự với Solskjaer”.
Câu hỏi dành cho Ten Hag là: Làm thế nào để ông có thể tránh khỏi số phận tương tự như vậy?
Ten Hag thậm chí muốn mang về một vị trợ lý có DNA “Quỷ đỏ”. Steve McClaren, cựu trợ lý của Sir Alex Ferguson trong mùa giải giành cú ăn ba năm 1999, và cựu danh thủ Robin van Persie đã được nhắc đến.
Thế nhưng, đó là một cách tiếp cận mà những người kế vị Ferguson đã cố gắng và không mang lại hiệu quả. Moyes có Phil Neville, Louis van Gaal có Ryan Giggs, Mourinho có Michael Carrick, Solskjaer có Mike Phelan, thậm chí Rangnick có Darren Fletcher.
Điều mà Ten Hag cần để kiểm soát phòng thay đồ là sự hậu thuẫn tối đa từ ban lãnh đạo và giới chủ – giống như Pep Guardiola có ở Manchester City và Jurgen Klopp có ở Liverpool. Ten Hag cần được toàn quyền quyết định vấn đề nhân sự và phong cách của Man Utd.
Ten Hag phải thẳng tay bán đi những cầu thủ ông không cần và chiêu mộ những tân binh phục vụ cho lối chơi. Đội hình này chắc chắn cần phải trải qua ca “phẫu thuật” thật sự để có thể cạnh tranh với Man City và Liverpool, cả về trình độ, thái độ, tâm trí và phẩm chất.
Như Roy Keane đã phát biểu vào năm 2019, Man Utd không thể trở lại đỉnh cao khi sở hữu quá nhiều “kẻ bịp bợm” trong đội hình. “Quỷ đỏ” cần một cuộc cải tổ và điều đó phải sớm xảy ra.
Be the first to comment