Kể từ năm 1998, Nhật Bản luôn là một trong những anh cả của bóng đá Châu Á. Đội bóng xứ sở hoa anh đào luôn góp mặt tại sân chơi World Cup ở 6 lần gần nhất. Họ sẽ tiếp tục hành quân tới Qatar vào cuối năm nay cùng sự tự tin cao độ.
Chính sách săn tìm và trọng dụng nhân tài là điều mà Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) luôn đề cao. Không chỉ tạo điều kiện cho các tài năng trẻ có cơ hội được thử sức tại Châu Âu từ rất sớm, nền bóng đá nước này còn rất sốt sắng trong việc thu nhập những cầu thủ mang hai dòng máu kể từ khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Thay đổi trong cách đào tạo
Trong quá khứ, không ít cầu thủ cầu thủ gốc Nam Mỹ đã có cơ hội khoác áo tuyển Nhật Bản. Một trong số đó là Wagner Lopes, nhân tố chủ chốt đưa “Samurai Xanh” lần đầu được tham dự World Cup vào năm 1998.
Tiền đạo sinh ra ở Brazil đóng vai trò kiến tạo để Masashi Nakayama ghi bàn đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản tại sân chơi lớn nhất thế giới. Wagner Lopes kết thúc sự nghiệp với 20 lần khoác áo ĐTQG, ghi 5 bàn thắng.
Một cái tên khác có chung xuất phát điểm như Wagner Lopes là Alessandro Santos. Tiền vệ gốc Brazil đóng vai trò quan trọng trong lực lượng của tuyển Nhật Bản tại World Cup 2002 và 2006, có tới 82 lần ra sân.
Điểm chung của cách làm bóng đá này chính là tạo điều kiện cho các CLB chiêu mộ một lượng lớn ngoại binh, qua đó giúp các cầu thủ vốn không có gốc gác Nhật Bản sở hữu quốc tịch thứ hai sau ít nhất 5 năm sinh sống.
Đây chính là lý do Wagner Lopes hay Alessandro Santos phải tới năm 28 và 25 tuổi mới có lần đầu khoác áo ĐT Nhật Bản. Cái tên muộn nhất từng được triệu tập lên ĐTQG là Ruy Ramos. Tiền vệ sinh ra ở Rio De Janeiro có lần đầu khoác áo “Samurai xanh” ở tuổi 33, kết thúc sự nghiệp với 32 lần ra sân cho tuyển quốc gia.
Chính sách nhập tịch này thực tế chỉ mang đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, chúng ta có thể thấy rất rõ sự thay đổi trong cách đào tạo con người của bóng đá Nhật Bản. JFA không còn nhập tịch những ngôi sao tới từ Nam Mỹ đang làm mưa làm gió tại sân chơi J1 League nữa.
Thay vì thế, họ nhắm tới việc tìm kiếm những cầu thủ mang dòng máu Nhật và quốc gia khác từ khi còn là những cậu bé, tạo cơ hội cho họ thể hiện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khoác lên mình màu áo “Samurai xanh” ngay tại các lứa U.
Trao cơ hội cho “Nhật kiều”
Zion Suzuki là một trong những điển hình cho cách làm bóng đá kiểu mới của xứ sở mặt trời mọc. Thủ thành sinh năm 2002 có bố là người Nhật, mẹ là người Ghana, sinh ra tại Mỹ và đang bắt rất hay cho U23 Nhật Bản tại giải đấu diễn ra ở Uzbekistan.
Suzuki bắt ở ba trận quan trọng nhất của thầy trò HLV Go Oiwa tới lúc này và chỉ để lọt lưới có một bàn. Tham vọng của U23 Nhật Bản năm nay là rất lớn, nhất là sau khi họ đã hạ bệ nhà đương kim vô địch U23 Hàn Quốc với tỷ số 3-0 tại tứ kết.
Bản thân Zion Suzuki cũng có thừa kinh nghiệm và bản lĩnh tại những sân chơi cao nhất của bóng đá trẻ Nhật Bản. Anh từng đeo băng đội trưởng lứa U20 tham dự World Cup trẻ 2019. Hai năm sau, Suzuki là thành viên trẻ tuổi nhất góp mặt trong đội hình dự Olympic trên sân nhà.
Tại giải U23 Châu Á 2022, Zion Suzuki không phải cầu thủ “Nhật kiều” duy nhất trong đội hình U23 Nhật Bản. HLV Go Oiwa còn có Anrie Chase, trung vệ mới bước sang tuổi 17 nhưng đã đá chính ở 3 trong 4 trận từ đầu giải.
Thể chất vượt trội là điều Zion Suzuki và Anrie Chase có lợi thế so với bạn bè Nhật Bản đồng trang lứa. Thủ thành lai Ghana cao tới 1,9 m trong khi đó trung vệ trẻ lai Mỹ cao 1,87 m.
Sự có mặt của những cầu thủ với thể hình ấn tượng sẽ giúp các đội tuyển châu Á, mà cụ thể đây là Nhật Bản, xô đổ bức tường thể hình vốn đã ngăn họ tiến tới đẳng cấp bóng đá cao nhất suốt một thời gian dài.
Thành công tại những sân chơi trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho cách làm bóng đá của người Nhật ở giai đoạn gần đây. Việc sẵn sàng tạo cơ hội cho những Nhật kiều từ U15 đến U23 là tiền đề quan trọng để xây dựng một ĐTQG lớn mạnh trong tương lai.
Zion Suzuki là một ví dụ. Anh đã trải qua tất cả các cấp độ trẻ của bóng đá Nhật Bản. Thủ thành đang chơi cho Urawa Reds càng chơi càng hay tại giải U23 Châu Á trên đất Uzbekistan. Không chỉ có những pha cứu thua xuất thần, khả năng đóng góp vào lối chơi bóng ngắn chung của Suzuki giúp U23 Nhật bản dễ dàng hơn trong việc triển khai bóng.
Trước mắt Zion Suzuki sẽ là trận bán kết gặp chủ nhà U23 Uzbekistan. Đội chủ nhà đã cho thấy sức mạnh đáng sợ khi nhận được sự cổ vũ và động viên tới từ cầu thủ thứ 12 trên khán đài. Đó sẽ là một bài kiểm tra tâm lý thực thụ với U23 Nhật Bản nếu muốn tiến tới ngôi vô địch.
Danh hiệu tại đấu trường U23 Châu Á không chỉ là lời khẳng định của một tập thể đồng đều và đầy tính kỷ luật. Đó còn là trái ngọt của những người làm bóng đá trẻ Nhật Bản sau một quá trình tìm kiếm và bổ sung mà không bỏ sót bất cứ nhân tài nào.
Copy Link
Be the first to comment