Sức mạnh bóng chết
Tháng 10/2021, tuyển Việt Nam để thua ngược đầy tiếc nuối 1-3 trên sân đối thủ Oman, trong trận đấu mà Tiến Linh là người mở tỷ số – bàn thứ 8 của anh trong giai đoạn vòng loại World Cup 2022.
Ngoài những vấn đề từ lỗi cá nhân, trận thua ngược trên sân Sultan Qaboos còn đến từ một nguyên nhân khác: đội tuyển Việt Nam gặp rắc rối với các tình huống bóng chết.
Ngay ở phút 16, thủ môn Văn Toản cản được cú sút 11 m của nhạc trưởng Mohsin Al Khaldi. Tình huống phạt đền xuất phát từ lỗi của Hồ Tấn Tài, khi Việt Nam không kiểm soát được pha dàn xếp đá phạt của Oman.
Trong thời gian bù giờ của hiệp một, vẫn là pha đá phạt treo bóng vào vòng cấm Việt Nam và Oman có bàn gỡ 1-1. Chính tình huống này tạo bước ngoặt lớn sau giờ nghỉ.
Ngay khi hiệp hai vừa bắt đầu, Oman một lần nữa tạo khác biệt từ bóng chết khi nâng tỷ số lên 2-1 trong pha phạt góc.
Bàn thua thứ 3 không đến từ bóng chết, nhưng thể hiện một hạn chế khác của đội tuyển Việt Nam: chống bóng bổng chưa tốt và có quá nhiều động tác thừa. Các hậu vệ của HLV Park Hang Seo thường có những động tác không cần thiết khi tranh chấp với đối phương.
Những pha phạt góc khó chịu
Đi sâu hơn vào những tình huống bóng chết, một điểm nổi bật ở Oman là các pha phạt góc rất khó chịu.
Những cầu thủ có thể hình vượt trội của Oman sẽ đứng sát vạch khung thành với số đông, nhằm cản tầm nhìn cũng như vùng hoạt động của thủ môn đối phương.
Cách đá này gây nhiều ức chế về mặt tâm lý cho đối thủ. Các thủ môn thiếu kinh nghiệm sẽ tự đánh mất lợi thế và quyền lực của mình trong khu vực 5m50.
Trong trận lượt đi ở Muscat, tuyển Việt Nam đã phải nhận 1 bàn thua bởi sự khó chịu như vậy. Pha thủng lưới ấy cũng khiến tâm lý một số cầu thủ dao động.
HLV Park Hang Seo hẳn đã chuẩn bị rất kỹ vấn đề này trước trận lượt về. “Những chiến binh sao vàng” cần bình tĩnh và thoải mái nhất để kiểm soát được các tình huống bóng chết.
Vai trò cá nhân
Sự vắng mặt của Hoàng Đức – người tái nhiễm Covid-19, là một thiệt thòi lớn đối với đội tuyển Việt Nam, khi Oman khá mạnh ở trung tuyến.
Lối chơi của Oman được phát triển chủ yếu từ vị trí của Mohsin Al-Khaldi. Chính anh này từng ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 trận lượt đi.
Khác biệt lớn trong đội hình Oman so với lượt đi là vai trò của Abdullah Fawaz được đề cao hơn.
HLV Branko Ivankovic biến Fawaz thành nhân tố rất cơ động, từ đó phát huy những điểm mạnh của anh.
Nếu Al-Khaldi không thể thai đấu, Fawaz sẽ đóng vai trò tổ chức và được khuyến khích chơi tự do để khai thác khả năng dứt điểm từ xa.
Fawaz ghi cả 2 bàn cho Oman trong trận hòa Australia 2-2. Trong đó, có một bàn đến từ tình huống sút xa rất đẹp mắt.
Không có sự bao quát của Hoàng Đức ở giữa sân, HLV Park Hang Seo phải tìm cách hạn chế không gian phía trước Fawaz, để Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích lịch sử khác, sau khi thắng Trung Quốc.
Be the first to comment