Các câu lạc bộ Premier League đã đồng ý thử nghiệm không ràng buộc mô hình “neo đậu” tài chính (TBA) cho mùa giải tới tại cuộc họp thường niên diễn ra vào thứ Năm vừa qua. Quyết định này đồng nghĩa với việc giới hạn chi tiêu đội hình dựa trên thu nhập của đội bóng xếp cuối bảng, một động thái gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ giải đấu.
Mặc dù vậy, đề xuất tăng giới hạn lỗ mà các câu lạc bộ được phép chi tiêu trong ba năm từ 105 triệu bảng lên 135 triệu bảng đã bị bác bỏ. Ý tưởng do Aston Villa khởi xướng chỉ nhận được sự ủng hộ từ một câu lạc bộ khác, trong khi 15 câu lạc bộ còn lại phản đối. Một đề xuất sửa đổi từ Crystal Palace, nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính giữa các đội bóng mới nổi và các ông lớn lâu năm ở đấu trường châu Âu, cũng không được thông qua.
Mô hình “neo đậu” tài chính đang gây nhiều tranh cãi tại Premier League.
Theo mô hình TBA, mức lương cứng sẽ được áp dụng, giới hạn số tiền các câu lạc bộ có thể chi cho đội hình chính dựa trên tỷ lệ so với thu nhập từ truyền thông và tài trợ của đội xếp cuối bảng. Tỷ lệ đề xuất hiện tại là 5:1.
Quyết định thử nghiệm TBA được đưa ra sau khi Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA) đe dọa hành động pháp lý do thiếu tham vấn. Premier League khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với PFA và cho biết giai đoạn thử nghiệm sẽ cho phép họ “đánh giá đầy đủ hệ thống” và “hoàn thành tham vấn với tất cả các bên liên quan.”
Ý tưởng “neo đậu tài chính” đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các câu lạc bộ lớn. Họ cho rằng việc ràng buộc chi tiêu của mình vào thu nhập của một đội bóng khác là hạn chế thương mại, gây bất lợi trong các cuộc đua danh hiệu quốc tế và cản trở khả năng thu hút tài năng hàng đầu. Manchester City, Manchester United, hay Chelsea – vốn đang căng mình chống đỡ với luật công bằng tài chính PSR, đều tỏ ra đặc biệt lo ngại việc chi tiêu của họ bị giới hạn bởi nguồn thu trung tâm của giải đấu thay vì doanh thu thương mại và ngày thi đấu mà họ tự tạo ra.
googletag.cmd.push(function() { googletag.display(‘div-gpt-ad-1717063155622-0’); });
Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh vốn dĩ đã bị hàng loạt các quy định về tài chính “kìm kẹp” trước đó.
PFA cũng lên tiếng phản đối TBA, coi đây là một hình thức giới hạn lương cứng. Việc công đoàn cầu thủ thuê luật sư thể thao Nick De Marco KC cho thấy họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý.
Trong khi đó, các quy tắc chi phí đội hình (SCR) mới, cho phép các câu lạc bộ chi tiêu 85% doanh thu cho tiền lương và phí chuyển nhượng, lại ít gây tranh cãi hơn. Tuy nhiên, các câu lạc bộ tham dự cúp châu Âu sẽ phải tuân thủ ngưỡng 70% của UEFA, một điểm gây lo ngại khác cho những người phản đối TBA.
Premier League khẳng định hệ thống mới nhằm “cải thiện và bảo vệ tính bền vững tài chính”, “thúc đẩy khát vọng của các câu lạc bộ” và “hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các câu lạc bộ trong các giải đấu câu lạc bộ UEFA”.
Tuy nhiên, cuộc chiến để triển khai mô hình “neo đậu tài chính” vào thực tế chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, với những hệ lụy khó lường cho tương lai của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
(Bạn đọc: Quang Vinh)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
<!–
–>
Be the first to comment