Một trận đấu ở vòng loại World Cup 2022
Rạng sáng 01/03 (giờ Việt Nam), làng túc cầu rúng động trước thông báo từ FIFA và UEFA. Hai cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới ra quyết định tăng đòn trừng phạt đối với Nga, liên quan tới việc Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Theo đó, FIFA/UEFA cùng nhau cấm các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia Nga tham dự mọi giải đấu thuộc điều hành của 2 tổ chức này. Điều đó đồng nghĩa, Nga không được tham dự vòng play-off World Cup 2022 sắp tới, đồng thời Spartak Moscow bị loại khỏi Europa League.
Phán quyết của FIFA/UEFA xuất hiện sau khi hàng loạt quốc gia, Liên đoàn bóng đá phản đối Nga. Đặc biệt là khi Ba Lan, Thụy Điển và CH Czech lần lượt đưa ra thông báo từ chối đá play-off với tuyển Nga ở vòng loại World Cup 2022.
Theo FIFA/UEFA, bóng đá là một sự đoàn kết và họ đồng cảm với tất cả những người bị ảnh hưởng ở Ukraine. Họ hy vọng tình hình ở Ukraine sẽ được cải thiện đáng kể và nhanh chóng được giải quyết để bóng đá có thể trở lại đúng với quỹ đạo.
Không bàn đến vấn đề Nga đưa quân sang Ukraine, việc FIFA/UEFA ban hành lệnh cấm đang tạo nên một làn sóng phẫn nộ rất lớn.
Mục 15a trong quy chế của FIFA có ghi rằng: “Các liên đoàn cần đảm bảo các nguyên tắc điều hành và trung lập với các vấn đề chính trị và tôn giáo.”
Khi Nga và Ukraine xung đột, rõ ràng các cầu thủ vô tội. Quyết định này chắc chắn ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của những cầu thủ đang thi đấu cho các CLB ở Nga, và cả những tuyển thủ Nga đang khát khao hướng tới tấm vé dự World Cup 2022.
Mặt khác, nếu đúng theo quy định của FIFA, lẽ ra những đội tuyển như Ba Lan, Thụy Điển và CH Czech chắc chắn phải bị xử thua vì từ chối thi đấu. Đó mới đúng là tinh thần thể thao, không liên quan tới chính trị mà FIFA hay UEFA đề ra.
Bất kỳ hành động gây hấn, tạo ra xung đột có vũ trang nào cũng đều đáng bị lên án. Nhưng ở trường hợp này của Nga, FIFA và UEFA phần nào có quyết định gây mâu thuẫn. Phải chăng FIFA/UEFA đã quên mất quy tắc “trung lập với các vấn đề chính trị và tôn giáo”?
Bóng đá là chiếc cầu nối để xoa dịu nỗi đau và gắn kết mọi người, không phải là công cụ để trừng phạt chính trị.
Be the first to comment