Bàn thắng vào lưới Myanmar ở Asian Cup nữ 2022 không phải lần đầu tiên Tuyết Dung ghi bàn từ chấm phạt góc. Trước đó, cô làm được điều tương tự trước Malaysia ở giải Đông Nam Á 2015.
Tuyết Dung cũng không phải người đầu tiên của tuyển nữ Việt Nam sở hữu năng lực đặc biệt này. Đàn chị đồng hương Văn Thị Thanh từng có những pha làm bàn tương tự khi còn thi đấu cho CLB Phong phú Hà Nam và tuyển quốc gia.
Những bàn thắng từ chấm phạt góc vì thế không chỉ là sản phẩm của vận may. Chúng là “đặc sản” của bóng đá nữ Hà Nam, thành quả từ cách làm bóng đá của địa phương này mà Dung hay Thanh chỉ là hai cái tên tiêu biểu hơn cả.
“Những bàn thắng ấy không phải may mắn đâu, tôi sẽ giải thích cho các bạn. Một trong những niềm tự hào của đào tạo trẻ ở Hà Nam là cầu thủ nữ có thể thi đấu tốt bằng cả hai chân. Triết lý đào tạo của chúng tôi là cầu thủ nào cũng phải tập cả hai chân, không cứ chỉ Dung hay Thanh. Nếu chân phải là chân thuận thì tập đá 10 quả, chân trái không thuận thì phải đá 20 quả. Nhờ thế, các cầu thủ có kỹ thuật đa dạng và hiệu quả đặc biệt trong những quả phạt góc từ cả hai phía“.
“Đương nhiên, sút được như vậy còn nhờ sự khổ luyện của cá nhân. Như Văn Thị Thanh năm xưa, khi cả đội nghỉ tập, một mình cô ấy vẫn ở lại đá phạt tiếp. Dung được mọi người biết tới nhiều hơn bởi những lần ghi bàn từ chấm phạt góc. Nhưng thực ra tại Hà Nam, chúng tôi từng có Văn Thị Thanh làm được như vậy trước Dung ở một giải giao hữu của tuyển Việt Nam trong quá khứ”, ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam, chia sẻ với Zing.
Không chỉ nổi tiếng với những cú sút phạt độc đáo, cả Tuyết Dung và Văn Thị Thanh đều là bậc thầy kỹ thuật của bóng đá nữ Việt Nam. Cùng trưởng thành từ Hà Nam, họ chịu ảnh hưởng của lối đá kỹ thuật vốn là đặc trưng tại CLB này.
Ông Hải Anh kể tiếp: “Tại SEA Games 2003, tuyển nữ Việt Nam của HLV Mai Đức Chung năm đó chỉ có duy nhất một cầu thủ thuận chân trái. Khi Văn Thị Thanh được đưa vào cánh phải, nhiều người vẫn nghĩ cô ấy thuận chân trái và sẽ đi bóng vào trung lộ, ngoặt vào rồi dứt điểm kiểu Văn Quyến. Tới khi Thanh cầm bóng, xộc thẳng vào rồi sút chân phải ghi bàn, mọi người mới hay Thanh thuận chân phải. Đó là một điều đặc biệt của các cầu thủ nữ Hà Nam”.
Việc Văn Thị Thanh và Tuyết Dung thường xuyên ghi các bàn thắng đẹp cũng chịu ảnh hưởng từ quá trình đào tạo. Văn Thị Thanh (1985) là thành viên lứa nữ đầu tiên của bóng đá Hà Nam, còn Tuyết Dung (1993) thuộc lứa sau nhưng đều được phát hiện và dìu dắt trực tiếp bởi ông Phạm Hải Anh (khi đó còn trực tiếp huấn luyện).
Ông Hải Anh chia sẻ: “Trong huấn luyện, tôi luôn yêu cầu học trò khi dứt điểm, không được sút vào góc gần mà phải nhắm vào góc xa. Tôi thà để cầu thủ sút ra ngoài còn hơn để thủ môn đối thủ bắt được vì bắt được trái bóng đó, họ sẽ tạo ra cơ hội phản công nhanh rất tốt. Mọi người để ý sẽ thấy Tuyết Dung và cầu thủ Hà Nam thường hay nhắm vào góc xa khi dứt điểm”.
Tài năng của Văn Thị Thanh hay hiện tại là Tuyết Dung được bạn bè khu vực và châu lục thừa nhận. Sau pha lập công vào lưới Myanmar vừa qua, Tuyết Dung được Liên đoàn Bóng đá Châu Á ca ngợi bằng cụm từ “bend like it”, ý so sánh bàn thắng này với những tình huống tương tự của danh thủ người Anh David Beckham.
Tuyết Dung giành hai Quả bóng vàng Việt Nam trong sự nghiệp vào năm 2014 và 2018. Với màn trình diễn đỉnh cao tại giải châu Á vừa qua, cô đứng trước cơ hội giành Quả bóng vàng thứ ba trong sự nghiệp.
Be the first to comment