Các đội bóng Trung Quốc đánh mất vị thế ở châu Á

CLICK VÔ BANNER QC ĐỂ NHẬN KHUYẾN MÃI

Trước khi vòng bảng AFC Champions League 2022 bắt đầu, cổ động viên Kawasaki Frontale có nằm mơ cũng không thể nghĩ đại diện Nhật Bản có thể thắng đậm Guangzhou FC (trước đây tên là Guangzhou Evergrande) đến thế. Nhà vô địch Nhật Bản đè bẹp đại diện Trung Quốc 8-0. CLB từng hai lần vô địch AFC Champions League để thua 0-5 trước Kawasaki chỉ sau 45 phút đầu tiên.

Chính sách phong tỏa vì dịch bệnh của Trung Quốc cùng lịch thi đấu chồng chéo từ các giải trong nước là nguyên nhân không nhỏ khiến Guangzhou FC thua đậm. Các CLB Trung Quốc không thể cử những cầu thủ tốt nhất ra nước ngoài thi đấu vì sau đó, họ sẽ mất hàng tháng trời cách ly để quay lại.

Vài đội bóng như Shanghai Port hay Changchun Yatai rút khỏi giải đấu. Shandong Taishan hay Guangzhou FC lựa chọn cử đội trẻ thi đấu ở AFC Champions League, trong khi đội một ở lại trong nước chuẩn bị cho giải VĐQG Chinese Super League (CSL) 2022.

- Bóng Đá

 Guangzhou FC, đội từng hai lần vô địch AFC Champions League, thua 0-8 trước Kawasaki Frontale hồi tháng 4. Ảnh: AFC.

Thời hoàng kim

Những trận thua đậm của Guangzhou FC hay Shandong Taishan ở AFC Champions League 2022 là điều được dự báo từ trước. Mùa giải 2021, dàn cầu thủ trẻ từ Beijing Guoan hay Guangzhou, Shanghai Port cũng nhận những kết quả đáng thất vọng ở giải đấu hàng đầu châu Á cấp CLB. Tuy nhiên, ngay cả khi các CLB Trung Quốc tung đội hình mạnh nhất ở sân chơi AFC Champions League vào lúc này, họ chắc chắn không thể có lại thành công như quá khứ.

Tham vọng nâng tầm của bóng đá Trung Quốc mang đến vị thế cho các CLB nước nhà ở AFC Champions League. Trước khi đại dịch ập đến, những đội bóng từ xứ tỷ dân luôn là khách quen ở vòng knock-out Champions League. Họ chơi sòng phẳng với các CLB Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Guangzhou FC là đại diện Trung Quốc thành công nhất ở AFC Champions League. Nhờ nguồn tài chính của tập đoàn Evergrande, CLB này 2 lần vô địch AFC Champions League (2013, 2015) và một lần vào đến bán kết mùa 2019. Dưới bàn tay của HLV Marcello Lippi và Luiz Felipe Scolari, hai chiến lược gia từng vô địch World Cup, Guangzhou FC trở thành thế lực của bóng đá châu Á trong giai đoạn đó.

Với tư cách đội bóng đại diện châu Á, Guangzhou FC thậm chí hai lần vào đến bán kết FIFA World Cup Club các năm 2013 và 2015, trước khi để thua Bayern Munich hay Barcelona.

Shanghai Port (trước đây tên là Shanghai SIPG) cũng là đội bóng mạnh ở AFC Champions League. Trong giai đoạn 2016-2019, đội bóng từ Thượng Hải 1 lần vào bán kết và 2 lần vào tứ kết giải đấu. Với những ngôi sao như Hulk hay Oscar trong đội hình thời điểm đó, Shanghai Port luôn chơi ngang ngửa với Jeonbuk Hyundai Motors hay Kawasaki Frontale, các đội bóng từng vô địch AFC Champions League.

Trong thời kỳ hoàng kim nhất của bóng đá Trung Quốc tại AFC Champions League, CSL còn có các đại diện khác như Jiangsu FC, Beijing Guoan, Shanghai Shenhua hay Shandong Luneng. Chất lượng ngoại binh tốt cùng nền tảng tài chính hùng mạnh giúp các CLB kể trên thể hiện sức mạnh.

Hiện tại, bóng đá Trung Quốc gần như không còn đại diện nào đủ khả năng cạnh tranh với Jeonbuk Hyundai Motors hay Kawasaki Frontale ở AFC Champions League. Guangzhou FC rơi vào nhóm rớt hạng CSL 2022 khi để thua 5 trong 6 vòng đầu tiên.

Jiangsu FC giải thể từ lâu trong khi Shanghai Port đứng ở giữa bảng xếp hạng CSL 2022. Đội bóng của Oscar để thua 3 trong 6 trận đầu tiên của mùa giải. Nếu ngôi sao người Brazil quyết định rời Shanghai Port trong thời gian tới, cuộc khủng hoảng của đội bóng này nhiều khả năng trầm trọng hơn. Oscar không thi đấu cho Shanghai Port trong giai đoạn 1 của mùa giải vì phải giải quyết vấn đề gia đình. Tuy nhiên, cựu tiền vệ Chelsea được cho là muốn rời Trung Quốc để về lại châu Âu thi đấu.

 - Bóng Đá

 Các CĐV Guangzhou FC từng tự hào khi đội nhà hai lần vô địch AFC Champions League trong ba năm. Ảnh: Reuters.

Khó trở lại

Shandong Luneng, Beijing Guoan hay Shanghai Shenhua là 3 CLB còn duy trì vị thế tại đấu trường quốc nội. Nhưng họ không còn nhận được sự đầu tư mạnh như trước và rất khó để cạnh tranh với các CLB hàng đầu của Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chất lượng nội binh của các CLB Trung Quốc thua xa Nhật Bản hay Hàn Quốc, xuất phát từ việc đào tạo trẻ. Trong quá khứ, sức mạnh của các đại diện Trung Quốc thường dựa nhiều vào cầu thủ ngoại binh hay nhập tịch. Điều đó nay không còn nữa.

Một thập kỷ trước, những cầu thủ nổi tiếng như James Rodriguez, Odion Ighalo hay Santi Cazorla được kỳ vọng sẽ chơi ở Champions League châu Á cho các CLB Trung Quốc. Nhưng khi AFC Champions League 2022 khởi tranh, phần lớn các tên tuổi lớn như trên khoác áo những CLB Tây Á.

Rodriguez và Cazorla thi đấu ở Qatar, trong khi Ighalo chơi ở Saudi Arabia. Cựu tiền đạo Manchester United là người phản ánh rõ nhất xu thế của các ngoại binh hàng đầu tại châu Á.

Nửa thập niên trước, anh từ bỏ cơ hội tiếp tục chơi ở Premier League cho Watford để sang Changchun Yatai hay Shanghai Shenhua thi đấu. Sau khi thực hiện ước mơ khoác áo MU, trung phong người Nigeria chọn Al Shabab và Al-Hilal, hai CLB hàng đầu của Saudi Arabia để thi đấu.

Giải Trung Quốc lúc này không còn nhiều ngoại binh chất lượng. Oscar hay Marouane Fellaini là hai cái tên hiếm hoi còn bám trụ ở CSL 2022. Tuy nhiên, không ai dám chắc hai tiền vệ kể trên sẽ ở lại giải đấu trong thời gian tới.

Không dễ để bóng đá Trung Quốc có thể lấy lại vị thế ở AFC Champions League như vài năm trước. Để trở lại, họ cần học theo mô hình của những CLB từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Mua sắm như các CLB Trung Đông có thể là một giải pháp nhanh chóng, nhưng có lẽ sau những “bể dâu” vừa qua, bóng đá Trung Quốc khó tiếp tục đón nhận một làn sóng vung tiền thêm nữa.

Nguồn: xevathethao.vn |

Copy Link


Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*