Nền bóng đá châu Âu trong 2 năm qua chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19. Lionel Messi và Cristiano Ronaldo thay đổi câu lạc bộ, các vụ chuyển nhượng tự do tạo ra tác động lớn và chi tiêu mùa hè của Premier League giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2019, mặc dù vẫn vượt mốc 1,3 tỷ euro trong năm 2021, theo Deloitte.
Mức mua sắm của các giải top 5 châu Âu thấp hơn so với Premier League. Serie A đứng thứ hai với 550 triệu euro ở hè 2021. Nhưng khi cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và đại dịch chưa kết thúc, phiên chợ hè năm nay hứa hẹn tiếp tục mang tới nhiều bất ngờ.
Cuộc chạy đua đắt đỏ
Hơn 2 năm trước, cựu Chủ tịch Bayern Munich, Uli Hoeness cho rằng “những thương vụ vượt quá 100 triệu euro sẽ chỉ còn là dĩ vãng trong vài năm tới” do các vấn đề tài chính từ đại dịch Covid-19. Thực tế, khoảng thời gian đó chỉ tồn tại ngắn ngủi. Hè năm ngoái, Man City phá kỷ lục chuyển nhượng của nước Anh để chiêu mộ Jack Grealish từ Aston Villa với giá 117 triệu euro, trong khi Chelsea chi 115 triệu euro để đưa Romelu Lukaku trở lại Premier League.
Hè này, khi thị trường chuyển nhượng còn chưa mở cửa, hai thương vụ 100 triệu euro xuất hiện: Aurelien Tchouameni tới Real Madrid và Darwin Nunez gia nhập Liverpool. Chưa kể, Man City cũng bỏ ra hơn 60 triệu euro phá vỡ hợp đồng của Erling Haaland.
Bất chấp những vấn đề tài chính, các CLB lớn ở châu Âu vẫn có sẵn nguồn ngân sách chuyển nhượng khổng lồ để nâng cấp đội hình. Real Madrid, Liverpool và Man City là 3 đội bóng thành công nhất thời gian qua. Để thu hẹp khoảng cách này, các CLB khác chắc chắn không nằm ngoài xu hướng.
Với 35 bàn và 19 kiến tạo trong 50 trận cho RB Leipzig mùa trước, Christopher Nkunku có thể là chữ ký đắt giá tiếp theo. Điều khoản giải phóng của Nkunku là 60 triệu euro nhưng bất kỳ CLB nào muốn có cầu thủ này phải chi 100 triệu euro, theo ESPN. Jude Bellingham của Dortmund cũng có mức giá tương tự.
Chelsea, Man Utd và Man City theo đuổi Declan Rice của West Ham, một trong những tiền vệ trụ hay nhất ở Premier League. Để ký hợp đồng với Rice, con số bỏ ra chắc chắn nhiều hơn của Grealish. Frenkie de Jong có thể rẻ hơn một chút nhưng Barcelona cũng yêu cầu Man Utd đặt lên bàn đàm phán ít nhất 80 triệu euro kèm các điều khoản bổ sung mới chịu nhả người.
Ngay cả những thương vụ tiềm năng, mức giá cũng không hề rẻ. Rafael Leao của AC Milan, Moussa Diaby của Bayer Leverkusen và trung vệ Jules Kounde của Sevilla cũng được chào bán với khoản phí không dưới 60 triệu euro.
Những CLB không quá mạnh cũng đã mang về những chữ ký có giá hơn 30 triệu euro, chẳng hạn như Aston Villa (Diego Carlos – PV) hay Leeds United (Brenden Aaronson – PV). Chưa kể Newcastle United sẵn sàng gây bão phiên chợ hè sau khi đổi chủ.
Khi ấy, xu hướng chuyển nhượng với những bản hợp đồng 100 triệu euro trong thời gian tới sẽ nở rộ.
Những thương vụ miễn phí
Ngày càng nhiều trường hợp cầu thủ hết hợp đồng và ra đi dưới dạng tự do. Hè năm ngoái, làng túc cầu chứng kiến Messi, David Alaba, Sergio Ramos và Gianluigi Donnarumma đổi CLB với giá 0 đồng.
Điều tương tự chắc chắn xuất hiện mùa hè này. Lần lượt những tên tuổi như Gareth Bale, Angel di Maria, Paul Pogba, Paulo Dybala, Luis Suarez, Christian Eriksen hay Ousmane Dembele đang chờ đợi bến đỗ mới. Trong khi đó, Real Madrid sớm thuyết phục thành công Antonio Rudiger cập bến Bernabeu.
Điều này khiến các CLB phải ý thức hơn về việc bán đi cầu thủ trước hạn hợp đồng. Bayern Munich khả năng buộc phải để Robert Lewandowski ra đi và thu về ít nhất 40 triệu euro thay vì mất trắng anh sau mùa giải 2022/23. Tương tự, Liverpool đang lắng nghe lời đề nghị dành cho Sadio Mane.
Một số cầu thủ khác cũng sắp hết hợp đồng trong năm 2023 gồm Raheem Sterling của Man City, Serge Gnabry của Bayern Munich, Youri Tielemans của Leicester City và Milan Skriniar của Inter Milan. Vì vậy, dù muốn hay không, họ sẽ là mục tiêu được quan tâm cho đến khi CLB chủ quản đưa ra điều khoản mới để gia hạn hợp đồng.
Nghiên cứu của KPMG cho thấy trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, các vụ chuyển nhượng liên quan đến mức phí giảm 6% giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, xuống mức thấp kỷ lục là 30%. Ngược lại, các thương vụ miễn phí tăng từ 19% lên 22% trong cùng khung thời gian.
ESPN chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này. Cầu thủ muốn kiếm hợp đồng béo bở hơn, nên khi hợp đồng hết hạn, họ vẫn có thể tìm được những khoản thu nhập kếch xù khi đàm phán với những đội bóng mới.
Các CLB cũng muốn cắt giảm nhân sự bởi quỹ lương ngày càng phình to, còn doanh thu giảm sút do chiến tranh, dịch bệnh và tình hình kinh tế ảm đạm. Arsenal, Man Utd đẩy đi nhiều cầu thủ không còn giá trị. Barcelona hay Bayern Munich cũng đang trải qua hoàn cảnh như vậy.
Real Madrid, PSG, Man City hay Liverpool thì khác. Họ có sự cân bằng tốt về mặt tài chính và có thể mạnh dạn nâng cấp đội hình. Vì thế, khoảng cách giữa họ với các đối thủ có thể ngày càng nới rộng.
Copy Link
Be the first to comment